Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã diễn ra trong không khí làm việc khẩn trương, nghiêm túc, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của từng đại biểu. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các định hướng lớn của Đảng, Trung ương đã thảo luận, thống nhất cao nhiều nội dung quan trọng nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Đẩy mạnh tinh gọn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở
Trung ương đã khẳng định việc triển khai thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai với quyết tâm chính trị cao. Qua đó, nhiều kết quả quan trọng đã đạt được: giảm đáng kể số lượng cơ quan đảng, bộ, ngành, ban cán sự đảng, các đầu mối tổng cục và tương đương ở Trung ương; ở địa phương, giảm số lượng sở, ngành, chi cục, phòng chuyên môn và tương đương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách và phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Tổ chức lại đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp tinh – mạnh – hiệu quả
Trung ương thống nhất cao việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã), theo đó, giảm số đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 xuống còn 34 (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương), chấm dứt hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện sau khi Quốc hội sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, năm 2025). Đồng thời, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã nhằm giảm khoảng 60-70% tổng số hiện nay. Việc sắp xếp hướng đến phát huy tiềm năng phát triển, mở rộng không gian liên kết vùng, thúc đẩy tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hiệu quả quản trị ở địa phương.
Tinh gọn tổ chức Mặt trận, các đoàn thể, bảo đảm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Hội nghị xác định rõ định hướng nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thông qua việc tinh gọn đầu mối tổ chức từ Trung ương đến cấp xã. Hoạt động của các tổ chức sẽ được hướng mạnh về cơ sở, gắn bó và phục vụ thiết thực cho Nhân dân; từng bước khắc phục tình trạng hành chính hóa, tăng cường vai trò tập hợp, vận động, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trung ương cũng thống nhất kết thúc hoạt động của Công đoàn viên chức, Công đoàn lực lượng vũ trang; điều chỉnh giảm mức đóng góp công đoàn phí của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Cải cách hệ thống tư pháp theo hướng tinh gọn, liên thông, gần dân
Về tổ chức Tòa án nhân dân, Hội nghị xác định mô hình hoạt động theo hai cấp xét xử: sơ thẩm và phúc thẩm, không tổ chức cấp trung gian; thay thế hệ thống Tòa án cấp huyện bằng mô hình Tòa án nhân dân khu vực, từ 693 đơn vị hiện nay giảm còn 355 đơn vị (giảm 48,8%). Tương tự, hệ thống Viện kiểm sát nhân dân cũng sẽ được cơ cấu lại theo hướng không tổ chức cấp huyện, không duy trì Viện kiểm sát nhân dân cấp cao mà thay bằng Viện kiểm sát khu vực tương ứng với Tòa án nhân dân khu vực, giảm khoảng 50% đơn vị và số lượng chức vụ lãnh đạo. Cách làm này vừa bảo đảm nền tư pháp gần dân, thuận lợi cho người dân trong tiếp cận công lý, vừa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, liên thông trong hoạt động tố tụng.
Tổ chức Đảng phù hợp với hệ thống hành chính mới
Trung ương thống nhất việc chấm dứt hoạt động của các Đảng bộ cấp huyện, tổ chức lại hệ thống tổ chức Đảng ở địa phương theo mô hình hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã). Đây là yêu cầu khách quan nhằm bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ, toàn diện của Đảng phù hợp với hệ thống hành chính mới, phát huy mạnh mẽ cơ chế “Đảng lãnh đạo – Nhà nước quản lý – Nhân dân làm chủ”. Việc thực hiện sẽ tuân thủ nghiêm Điều lệ Đảng và các quy định của Trung ương.
Sửa đổi Hiến pháp, pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho việc sắp xếp hệ thống chính trị
Trên cơ sở các định hướng nêu trên, Trung ương thống nhất chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, bảo đảm việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị một cách đồng bộ, thống nhất, phù hợp với điều kiện phát triển mới của đất nước. Dự thảo Quy định thi hành Điều lệ Đảng và công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng cũng được thông qua với sự thống nhất cao.
Việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các định hướng nêu trên chính là bước tiến mạnh mẽ nhằm cụ thể hóa mục tiêu xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực – hiệu quả, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước nhanh, bền vững vì lợi ích của Nhân dân.